Nói một cách dễ hiểu nhất Tư duy tích cực là những suy nghĩ, cách nhìn nhận và thái độ sống tích cực của một người về bản thân họ, về người khác, về sự vật, hiện tượng và thế giới bên ngoài. Tư duy tác động trực tiếp đến cách con người hành xử, phản ứng và giải quyết các vấn đề. Và suy nghĩ chính là điểm khởi đầu cho tất cả những gì chúng ta làm hoặc cố gắng làm trong cuộc sống. Không ai từng thành công mà lại không phải vượt qua những rào cản. Những người có tư duy tích cực có thể vượt những trở ngại trong cuộc sống dễ dàng hơn nhiều so với những người có suy nghĩ tiêu cực. Những người có suy nghĩ tiêu cực có xu hướng cảm thấy cả thế giới như đang sụp đổ dưới chân họ hoặc cả thế giới như đang chống lại họ mỗi khi họ gặp phải một trải nghiệm không dễ chịu trong cuộc sống; và chính bởi những suy nghĩ đó, chúng khiến họ mau chóng đầu hàng hoàn cảnh thay vì tập trung vào việc tìm ra các giải pháp khắc phục.
Việc có một tầm nhìn, một tư duy tích cực và đầy sức mạnh cho phép chúng ta không chỉ vượt qua những rào cản và trở ngại để thành công mà còn thực sự một cách chủ động chào đón chúng như những thách thức cũng như cơ hội để phát triển và học hỏi. Và đó cũng là điểm khác biệt giữa người thành công và người không/chưa thành công. Điều đáng tiếc là không phải ai trong chúng ta cũng có sẵn trong mình một hệ tư duy tích cực. Điều đáng mừng là, chúng ta có thể học và rèn luyện để tự trang bị cho mình một tư duy và một cuộc đời tích cực như chúng ta mong muốn.
Hãy thử áp dụng các bài tập nhỏ này vào cuộc sống, từng bước một cho đến khi chúng trở thành thói quen và bản năng của mình. Chính bạn sẽ nhận ra cuộc đời mình thay đổi và được cải thiện như thế nào.
1/ Luôn nói cảm ơn
Cảm ơn luôn là điều đầu tiên trong danh sách các việc làm nhằm phát triển tư duy tích cực. Nghiên cứu “Science of Gratitude” của Đại học Pennsylvania cho biết số lượng lời cảm ơn mà chúng ta nói là một trong những yếu tố tạo ra sự hạnh phúc của chúng ta. Không chỉ giúp tạo thiện cảm và những ảnh hưởng tích cực lên người đối diện, sự biết ơn còn giúp bản thân chúng ta tập trung và trân trọng những giá trị hiện có.
2/ Bắt đầu ngày mới với sự khẳng định tích cực
Bạn đã bao giờ thức dậy muộn, hoảng loạn, và sau đó cảm thấy như một chuỗi liên tiếp những sự kiện không vui xảy ra trong ngày? Điều này có thể là do bạn bắt đầu một ngày mới với một cảm xúc tiêu cực và một cái nhìn bi quan. Bạn sẽ cảm thấy mọi sự kiện mà bạn trải qua trong ngày hết sức tiêu cực. Thay vì để điều này chi phối bạn, hãy bắt đầu ngày mới bằng những lời khẳng định tích cực. Nói chuyện với chính mình trong gương, ngay cả khi bạn cảm thấy ngớ ngẩn, với những câu nói như: “Ngày hôm nay sẽ là một ngày tốt lành”, hay là “Tôi sẽ trở nên tuyệt vời ngày hôm nay”.
3/ Tập trung vào những giá trị tích cực
Trong cuộc sống, khó khăn và thử thách là điều không thể tránh khỏi. Chúng đơn giản là một phần của cuộc sống này. Một khi bạn hiểu được lý thuyết hiển nhiên đó, mỗi khi gặp phải một thử thách nào, thay vì chăm chăm vào những điều ngoài ý muốn, hãy tập trung vào những lợi ích nó mang lại, bất kể chúng có vẻ nhỏ hay không quan trọng. Ví dụ: Điện trong nhà đột ngột bị ngắt khi bạn và cả nhà đang chuẩn bị dùng bữa tối. Thay vì cảm giác nóng nực, bực bội, hoặc thậm chí có thể dẫn đến thái độ trách cứ lẫn nhau. Chậm lại! Hãy suy nghĩ thật kỹ nhé, chẳng phải là lâu lắm rồi cả nhà mới có cơ hội ăn cùng nhau dưới ánh nến sao? Chẳng phải là lâu lắm rồi, gia đình mình mới có một bữa cơm mà mọi người không dán mắt vào những chiếc smartphone? Điều đó không phải là rất hay và thú vị sao?
4/ Tìm sự hài hước trong những tình huống xấu
Cho phép bản thân trải nghiệm sự hài hước trong những tình huống xấu nhất. Nhắc nhở bản thân rằng tình huống này có thể sẽ tạo nên một câu chuyện hay sau đó, và cố gắng tạo một trò đùa về nó. Điều đó sẽ giúp bạn lấy đi bớt những áp lực và căng thẳng từ những vấn đề hiện tại.
5/ Cho phép bản thân quyền được mắc sai lầm
“Sometimes you win, sometimes you learn”
Nghe có vẻ lạ nhưng lại là một vấn đề mà số đông chúng ta thường mắc phải. Cảm giác dằn vặt, đay nghiến, xấu hổ là cảm giác chung mà rất nhiều người trải qua khi họ gây ra sai lầm bất kể trong gia đình, xã hội hay công việc, dù lớn hay nhỏ. Thực tế là, chúng ta phát triển, chúng ta đi đến những nơi mà chúng ta chưa từng đến, làm những việc chúng ta chưa từng làm, chinh phục những thử thách mới và khó khăn hơn thì chắc chắn sai lầm là điều không tránh khỏi. Nó cũng giống như việc một đứa bé cần phải té và đứng dậy rất nhiều lần để học cách giữ thăng bằng, đứng, đi và chạy. Không có thất bại mà chỉ có các bài học.
6/ Tự nói chuyện tích cực (Positive Self-talk)
Một nghiên cứu chỉ ra, trung bình cứ mỗi phút chúng ta lại tự nói 150 – 300 chữ với chính mình. Chúng ta nói chuyện với chính mình nhiều hơn với bất kì ai. Cũng vì vậy mà self-talk đóng vai trò vô cùng lớn trong cuộc sống của chúng ta bởi vì chúng trực tiếp tạo ra và duy trì những suy nghĩ tích cực hoặc tiêu cực. Những người tích cực hiểu những suy nghĩ tiêu cực luôn là một phần trong họ nhưng không để cho những cảm xúc này ảnh hưởng và chi phối cuộc sống của mình. Họ xem những suy nghĩ này là điều gì đó độc lập với thực tế. Họ giải tỏa chúng bằng cách hát hay nói chuyện hài hước để chúng tan biến đi hoặc thay thế những thông điệp tiêu cực bằng những thông điệp tích cực như “Tôi rất tệ trong việc này” trở thành “Một khi tôi được thực hành nhiều hơn, tôi sẽ trở nên tốt hơn trong việc này”. “Tôi không nên cố gắng” trở thành “Điều đó đã không diễn ra như kế hoạch của tôi nhưng lần tới chắc chắn sẽ tốt hơn.”
7/ Tập trung vào hiện tại
Hầu hết ảnh hưởng nguồn tiêu cực bắt nguồn từ một ký ức không vui trong quá khứ hoặc trí tưởng tượng phóng đại, lo âu, sợ hãi về một sự kiện có thể xảy ra ở tương lai. Và chúng ta quyên bẵng đi những giá trị to lớn mà chúng ta đang có ngay trong hiện tại này. Bạn nên nhớ, chỉ có hiện tại là thế giới thật, nó không phải hôm nay, không phải giờ này, mà chính xác là khoảnh khắc này; nó không phải những điều đã xảy ra hay có thể xảy ra, mà là những thứ đang diễn ra. Tôi không nói rằng việc nhìn lại quá khứ để nhắc nhớ các bài học, trải nghiệm và suy nghĩ chuẩn bị cho tương lai là sai. Nhưng nếu cứ mỗi giây phút trôi qua, chúng ta chỉ dành để nhớ nhung về quá khứ và lo lắng về tương lai, thì chúng ta đang tự đánh mất hiện tại của chính mình.
8/ Môi trường sống tích cực
Nếu bạn đặt một quả táo tươi xanh bên cạnh một quả táo đang bị thối, hỏng; thì sẽ rất nhanh thôi, quả táo tươi xanh kia sẽ chịu chung một số phận tương tự. Điều đó cũng giống như trong xã hội của chúng ta, con người chịu sự ảnh hưởng và chi phối lẫn nhau về nhận thức, hành vi và thái độ. Khi bạn bao quanh mình bởi những người tích cực, bạn sẽ tiếp xúc với những câu chuyện tích cực, những tư duy tích cực và những lối sống tích cực. Những tác động tích cực của họ sẽ ảnh hưởng đến dòng suy nghĩ của bạn, từ đó ảnh hưởng đến lời nói, hành vi, thái độ sống của bạn. Và khi cuộc sống của bạn đã được lấp đầy bởi những yếu tố tích cực, nó sẽ không còn chỗ trống cho những điều tiêu cực tồn tại và gây ra những ảnh hưởng xấu.
9/ Ngừng phàn nàn
Những người tiêu cực có xu hướng tập trung vào việc họ cảm thấy những gì đang xảy ra tệ đến thế nào và không ngừng ca than về chúng. Duy trì sự bi quan là điều vô ích, tốn nhiều năng lượng và làm chúng ta mất tập trung dẫn đến sự làm việc kém hiệu quả và thiếu sáng tạo của não bộ. Trong khi đó, người tích cực sử dụng năng lượng để tìm giải pháp và vượt qua mọi thử thách.
Và quan trọng hơn, không ai muốn ở bên cạnh và chịu đựng một người luôn phàn nàn về mọi thứ.
10/ Yêu thương bản thân
Yêu bản thân vừa có nghĩa là nhận thức về việc bạn xứng đáng được tôn trọng và đối xử tử tế, vừa là hành động thể hiện sự yêu thương và chăm sóc bản thân. Nói đơn giản, yêu bản thân là thái độ tích cực về bản thân được thực hiện bằng hành động.Yêu bản thân không phải là sự ích kỷ. Yêu bản thân nghĩa là bạn thực sự trân trọng bạn là ai, chấp nhận những điểm chưa hoàn hảo của bạn – ngoại hình, sự ngượng ngùng, những thứ bạn làm chưa tốt và cả những thứ tuyệt vời nữa.
*******
Hãy bắt đầu thực hành những bài tập nhỏ trên. Có thể bạn sẽ có cảm giác hơi gượng ép một tí trong giai đoạn đầu. Nhưng đừng bỏ cuộc nhé. Như bạn có thể thấy, tư duy tích cực mang lại rất nhiều lợi ích và giá trị cho cuộc sống của chúng ta, vì vậy khi bạn càng thực hành nó thường xuyên, bạn sẽ càng nhận ra những lợi ích lớn hơn.
Dung Le (Dee)